Con mình may mắn được học với cô giáo luôn thẳng thắn trao đổi với hội phụ huynh về việc học của các con. Hôm nay cô có trao đổi việc các con nên học Văn như thế nào.

Nhân tiện mình cũng có trăn trở về việc này. Ở đây mình mạo muội không dùng từ Học Văn mà dùng từ Học Viết.

Mình đã đọc nhiều ý kiến về việc học Văn. Cho dù các quan điểm đều mở, nhưng cảm nhận của mình là “Chúng ta luôn coi kết quả của môn Viết là một tác phẩm (Art) “.

Mình chỉ muốn con hiểu: Viết là một công cụ (Tool) để truyền tải thông tin, xa hơn mới mong cầu việc truyền tải quan điểm. Nhưng trước tiên phải dùng tốt nó như một công cụ.

Trong cuốn Homo Sapiens, tác giả nhấn mạnh Quần Thể Người có số lượng cá thể vượt trội hơn hẳn các loài động vật khác ở một khả năng: Bịa Chuyện. Dân gian gọi là Bà Tám, hay nói văn hoa là Hư Cấu Câu Truyện, tiếng Anh gọi là StoryTelling. Đây là năng lực tưởng tượng của con người. Hiểu sâu hơn là năng lực cảm nhận và mô tả thế giới xung quang một cách rất đa dạng.

Hơn nữa, loài người có khả năng truyền tải thế giới quan của mình một cách rất chi tiết. Đối với các loài khác, khi kẻ địch xuất hiện, chúng chỉ truyền được một thông điệp đơn giản là “có kẻ địch”. Con người có thể thông báo “kẻ địch có 4 chân, răng dài, chạy nhanh, đang ở gần suối”.

Chính năng lực giao tiếp phức tạp này đã được sử dụng để tạo nên các câu chuyện về thần thoại, thánh thần và tôn giáo, là chất keo kết dính loài người và cũng chính là công cụ để kích động chiến tranh.

Con người có 5 giác quan, trong đó hết 3 thứ dùng để tự cảm nhận về bản thân mình khi tiếp xúc với thế giới. Hai thứ còn lại là ” Mắt và Tai “ dùng để cảm nhận hình thái của chính thế giới xung quanh. Cái thứ 6 mình tự gọi là khả năng tưởng tượng. Trí tưởng tượng đã đẩy thế giới quan của con người đi xa cực đại. Có thể tốt, có thể xấu, không bàn ở đây.

Một khi đã cảm nhận về thế giới, con người có nhu cầu truyền đạt cái mình biết. Từ lâu con người có 2 công cụ quan trọng để tận dụng năng lực của Mắt và Tai: Đó là Vẽ và Kể Truyện.

Vẽ là công cụ truyền tải thế giới quan qua cảm nhận của Mắt. Là cách mô tả thế giới bằng màu sắc và hình ảnh. Kể chuyện là sử dụng năng lực của Tai.

Viết là công cụ gián tiếp của Kể Truyện. Viết là hình thức nghe bằng mắt. Đó là lý do không ngoa khi đức Phật gọi các đệ tử của ngài là Thanh Văn. Vì chúng ta, loài người, học bằng âm thanh là tốt nhất (theo lời Anan).

Chúng ta khi nói đến học Vẽ hay học Viết, thường liên tưởng nó như là một tác phẩm (Art), quên mất công dụng ban đầu của nó chính là để truyền đạt thông tin. Chúng ta thường hay tập trung vào tính nghệ thuật của nó hơn là tính nội dung.

Ở lớp của con, cô rất coi trọng việc dạy Vẽ. Và kỹ năng này đã cải thiện rõ rệt. Các bạn lớp 1, 2 đã dùng kỹ năng Vẽ để mô tả câu truyện, để học toán. Các bạn lớp 5 thì thuần thục hơn hẳn, giờ có thể thoải mái trình bày ý tưởng bằng hình ảnh có đầy đủ không gian, màu sắc hoàn chỉnh.

Tiếp đây là ý kiến chủ quan của mình về học Viết.

Việc đầu tiên các con cần phải hiểu Viết là nhằm mục đích gì:

  1. Truyền tải thông tin.
    Tức là phải dễ hiểu, ngắn gọn, rõ ràng, có chủ đích. Vì thế mình coi trọng Academic Writing. Tức là coi trọng tính cấu trúc, tính đơn giản và hiệu quả của nó.
  2. Thuyết phục được người khác hỗ trợ mình, đồng cảm với mình.
    Ở đây các con cần hiểu rõ mình muốn truyền tải cái gì, người nghe là ai, cần nghe cái gì, cái nào là quan trọng.

Đây là 2 mục tiêu mình mong muốn cao nhất. Vì cả đời các con sẽ luôn dùng 2 thứ này trong mọi mặt đời sống. Tất nhiên không loại trừ các con sẽ phải biết áp dụng các liệu pháp Văn Học khác để làm cho bài viết thêm hấp dẫn.

Một tác dụng kinh khủng khác của Viết chính là giúp các con hiểu rõ hơn điều mình muốn truyền đạt. Chỉ khi viết ta mới bắt đầu cảm nhận là mình chưa hiểu gì về cái cần nói. Cấu trúc hay trật tự của ý tưởng thật là lung tung.

Điều quan trọng nhất là thầy cô và phù huynh truyền cảm hứng để các con Viết nhiều. Giống như Vẽ nhiều vậy. Viết những thứ thật đơn giản, nhẹ nhàng, đừng đặt nặng về hình thức.

Viết nhiều thì có ngày cũng ra tác phẩm, đó là ẩn tướng của hình thái phi cấu trúc, cứ viết đi, miễn nhiều người đồng cảm là thành tác phẩm rồi.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top